Blog Hoàng Hữu

Nước nghèo nhất thế giới công nhận Bitcoin dù mức độ dùng Internet cực thấp

10:01 - 03/05/2022

Dù chỉ có 11% dân số được tiếp cận Internet, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vẫn đã chính thức công nhận Bitcoin trở thành một loại tiền tệ hợp pháp.

Quốc hội của Cộng hòa Trung Phi, quốc gia nằm ở miền trung châu Phi, đã nhất trí thông qua một dự luật để chính thức công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ quốc gia.

Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadéra đã không giấu được sự vui mừng khi quốc hội nước này chính thức thông qua dự luật. Ông cho rằng động thái công nhận Bitcoin có thể giúp "cải thiện điều kiện kinh tế của người dân Trung Phi và đưa quốc gia này trở thành một trong những nước có tầm nhìn xa, táo bạo nhất thế giới".

Với việc thông qua dự luật, người dân tại Trung Phi có thể sử dụng Bitcoin để thực hiện các giao dịch hàng ngày, tương tự như một loại tiền tệ thông thường.

Dù mức độ phủ sóng Internet ở mức rất thấp, Cộng hòa Trung Phi vẫn chấp nhận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp (Ảnh: Getty).

Dù mức độ phủ sóng Internet ở mức rất thấp, Cộng hòa Trung Phi vẫn chấp nhận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích địa chính trị và chuyên gia tài chính đang cảm thấy bối rối và khó hiểu trước động thái chính thức công nhận đồng Bitcoin của Cộng hòa Trung Phi.

Dù Cộng hòa Trung Phi là một quốc gia giàu tài nguyên như vàng, uranium và các khoáng sản có giá trị khác… tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc nội chiến từ năm 2012, hiện Trung Phi vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển nhất thế giới, với mức thu nhập trung bình ước tính đạt 477 USD/người vào năm 2020, trong đó 71% dân số Trung Phi sống dưới mức nghèo đói.

Đáng chú ý, chỉ khoảng 11% trong tổng số 4,8 triệu người dân tại Cộng hòa Trung Phi có quyền truy cập Internet, điều này khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi làm cách nào để người dùng có thể sử dụng Bitcoin làm một loại tiền tệ giao dịch khi không phải ai cũng có điều kiện kết nối Internet?

"Câu hỏi lớn nhất là chính sách về tiền điện tử này là dành cho ai, khi mà tỷ lệ phủ sóng Internet tại Cộng hòa Trung Phi chỉ là 11%. Có lẽ chính phủ đã được dự báo về việc thông qua Bitcoin có thể thúc đẩy các khoản thanh toán trong nước, nhưng không rõ điều này sẽ diễn ra như thế nào?", David Gerard, một nhà nghiên cứu chính trị châu Phi, nhận xét.

Hiện Cộng hòa Trung Phi đang sử dụng đồng CFA franc Trung Phi làm đơn vị tiền tệ của mình. Đây là loại tiền tệ được sử dụng chung cho 6 nước nằm ở khu vực Trung Phi, thuộc Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (bao gồm Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Tchad, Cộng hòa Congo, Guinea Xích Đạo và Gabon). Giá trị của đồng CFA franc Trung Phi gắn liền với biến động giá trị đồng Euro, do vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc công nhận đồng Bitcoin là động thái để Cộng hòa Trung Phi giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền chung CFA franc Trung Phi.

Như vậy, Cộng hòa Trung Phi đã trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới chính thức công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp.

Trước đó, vào tháng 6/2021, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xem Bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp  và được sử dụng song song với đồng USD (tiền tệ chính thức của quốc gia này), cho phép người dân sử dụng Bitcoin cho các hoạt động giao dịch thường ngày như mua hàng hóa, nộp thuế, thanh toán hóa đơn…

Một số quốc gia khác cho phép sử dụng Bitcoin một cách hợp pháp, nhưng vẫn không xem Bitcoin như một loại tiền tệ chính thức để thay thế đơn vị tiền tệ chính thức đang được sử dụng tại quốc gia đó. Ngoài ra, chính phủ của một số quốc gia cũng đang xem xét hợp pháp hóa giao dịch tiền điện tử và chấp thuận sử dụng tiền điện tử cho các thanh toán hàng ngày.