“Bolero không phải là một dòng nhạc, mà là một phong trào”
Là người từng đổ tâm huyết dàn dựng một chương trình đồ sộ, có tính “tổng kiểm kê gia tài âm nhạc Việt” - “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, với 4 đêm diễn liên tiếp tại NH Lớn Hà Nội cách đây hơn 20 năm, ông có thể giúp đưa ra nhận định về chỗ đứng, sự suy thịnh của cái gọi là “dòng nhạc Bolero” ở ta trong dòng chảy chung của nhạc Việt?
- Trong các tiết điệu Phương Tây du nhập vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20, có 3 tiết điệu được các nhạc sĩ Việt Nam ưa chuộng nhất: Valse, Tango và Bolero bởi sự du dương, quyến rũ của nó, đặc biệt là Bolero. Tiết điệu ấy phù hợp với tâm sinh lý của người Việt nên công chúng cũng cảm thấy dễ nghe, dễ đàn và dễ hát hơn. Được người nghe ưa chuộng lại dễ phổ biến nên “nhạc Bolero” có đất để phát triển. Người có học cũng nghe Bolero nhưng họ thích Valse, Tango hơn, còn giới bình dân thì đại bộ phận là Bolero. Mà giới bình dân là công chúng vô cùng đông đảo nên Bolero chiếm thế thượng phong là đương nhiên.
Bolero không phải là một dòng nhạc, mà là một phong trào, nó bắt đầu ở Miền Nam từ thập niên 50 thế kỷ trước. Bolero phản ảnh đặc điểm văn hóa vùng miền (người Bắc ưa chèo cổ, người Nam chuộng cải lương mà Bolero về mặt nào đó rất gần với cải lương).
Vào TPHCM từ năm 1977, khi còn phụ trách tụ điểm âm nhạc Quận 10, Quận 11, được tiếp xúc với giới nhạc Sài Gòn cũ, nhất là các nhạc công, ca sĩ, tôi thường nghe nói về nhạc Bolero của Trúc Phương, Lam Phương, Vinh Sử, đặc biệt là Trúc Phương. Tôi làm nhạc trẻ và nhạc bán cổ điển nên rất ít khi biên tập các bài Bolero. Tuy vậy cũng nghe khá nhiều để tìm câu trả lời cho mình: vì sao người ta thích Bolero đến như thế. Một dòng nhạc đáp ứng hàng triệu người nghe hẳn phải có một giá trị gì chứ!
Những năm đó, Bolero bị dè bỉu là nhạc sến, có nhạc sĩ sáng tác tuyên bố “ngồi xổm” 15 phút là viết được một bài Bolero. Tôi không nghĩ như thế. Đó là thứ văn hóa khác, anh không ở trong nó anh không thể. Thái độ cực đoan, lấy ý thích của mình làm chuẩn mực để phủ nhận những gì khác đã dẫn đến việc từ chối một di sản văn hóa của người bình dân đô thị Miền Nam, điều này thật không ổn. Đấy là lý do khi biên tập chương trình “Nửa thế kỷ bài hát”, tôi đưa Bolero vào.
Những tác phẩm bolero của Trúc Phương. Lam Phương, Minh Kỳ vang lên mà khán giả khá chọn lọc đêm ấy ở Nhà Hát Lớn không một ai phản ứng. Riêng hai bài Bolero do Bảo Yến hát (“Mưa trên phố Huế” - Minh Kỳ , “Lời người ra đi” - Trần Hoàn) được vỗ tay rất lâu. Có một cái gì đó rất thương cảm trong những bài Bolero, nếu trút bỏ được định kiến ta sẽ cảm nhận được, nó giống cái thương cảm khi nghe quan họ Bắc Ninh những “Bèo dạt mây trôi”, “Người ơi người ở đừng về”… Cái thương cảm đó chắc Bolero bên Tây là không thể. Bolero Việt tiết điệu Tây nhưng giai điệu có nguồn gốc từ dân ca Nam Bộ, vì thế dòng nhạc Bolero Sài Gòn tôi coi là dân ca mới, dân ca đô thị của người Nam.
Bolero trước 1975 là thế. Sau 1975, Bolero còn nhưng không mạnh. Thời đó là của các nhóm Ca khúc chính trị, của “Sài Gòn nhạc trẻ”. Bolero dạt về tỉnh. Giờ thì Bolero có vẻ “át giọng” tất cả, đặc biệt ở Miền Bắc. Chuyện Bolero “bùng nổ” trên đất Bắc có thể coi là một khía cạnh của thống nhất văn hóa: Những giá trị văn hóa bình dân của người Nam đã được người Bắc coi trọng, giống như những năm tháng vàng son của sân khấu Cải Lương Hà Nội vậy (trước 1954).
Sức sống một dòng nhạc nằm ở nhu cầu của người nghe. Bolero hưng thịnh trở lại bởi nhiều người thích nó và cũng bởi truyền thông cho Bolero áp đảo các dòng nhạc khác. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cái gì dễ kiếm tiền thì người ta lao vào, nên cũng chẳng trách họ được.
Đó cũng chính là giai đoạn như ông từng chia sẻ với tôi trong một bài phỏng vấn: “Nhiều lúc tôi ngồi hàng giờ nhìn vào bóng tối, thậm chí không hiểu mình sống để làm gì và đã nghĩ đến chuyện nên kết thúc nó...”. Lúc đó, ông có nhu cầu nghe Bolero để tìm kiếm sự đồng cảm? Trong hoàn cảnh như thế, theo ông, người ta nên hay là không nên nghe Bolero?
- Khi buồn tôi thường nghe Chopin, âm nhạc của ông đã cứu tôi khỏi những khủng hoảng nội tâm ngay từ thời trai trẻ, mặc dù nó cũng rất buồn. Mỗi người đều sống trong thực trạng văn hóa của riêng mình. Tôi không hiểu người khác mỗi khi buồn họ nghe Bolero thì như thế nào. Đây là bí mật của tâm hồn, ta chẳng nên cho ai một lời khuyên cả.
Nhạc Bolero hiện đang bùng nổ ngay cả ở nơi từng “dị ứng” với nó, từ phòng trà cho đến game show, live show... Có nhận định: Phải chăng vì đời sống lúc này nhiều bức bối nên người ta càng có nhu cầu nghe Bolero? Hoặc giả, là do những giá trị mới trong âm nhạc chưa đủ sức thuyết phục?
- Để thưởng thức thì cần phải có hiểu biết và có nhu cầu về các giá trị nghệ thuật và về cái mới. Nhưng để giải trí thì cần cái gì dễ hiểu, có câu chuyện kể, dễ nghe, nhẹ nhàng, du dương cho đỡ nhức đầu. Bolero đáp ứng được yêu cầu này. Nhạc trẻ, nhạc hàn lâm (thính phòng – giao hưởng) chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người nghe trong giới trẻ và những người có học thức, nó vẫn đang phát triển và đang tạo ra những giá trị mới nhưng giới truyền thông và các ông bầu không để ý nên bạn mới băn khoăn thế.
Sự bùng nổ đó theo ông liệu có cho thấy một sự “thụt lùi”?
- Cái gì thụt lùi, thẩm mỹ của người nghe hay hoạt động âm nhạc nói chung? Cái này phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của bạn về công chúng và âm nhạc. Bạn có chắc công chúng ngày xưa thẩm mỹ tốt hơn bây giờ không? Bạn có chắc hoạt động âm nhạc thật sự chỉ là nhạc thị trường, là Bolero, thế còn các loại âm nhạc không Bolero, không thị trường khác? Tôi không chắc điều này.
Về âm nhạc, muốn đánh giá là thụt lùi hay phát triển thì phải nhìn vào khu vực âm nhạc như là một hoạt động nghệ thuật chứ không phải như là một hoạt động giải trí. Khu vực này, như tôi đã trả lời ở trên, đang phát triển đấy, cả nhạc thính phòng giao hưởng, lẫn nhạc nhẹ. Sự phát triển rất đáng khích lệ, mặc dù nó chưa phải là một sự “bùng nổ” như Bolero.
“Nhận xét của Tùng Dương là khách quan”
Từng đổ tâm huyết cho “Nửa thế kỷ bài hát Việt”, “Điều còn mãi”..., lại cũng hào hứng dồn tâm sức cho sân chơi dành cho sáng tác mới như “Bài hát Việt” ..., ông có quan điểm ra sao trước sự tồn tại đan xen của các dòng nhạc cũ/mới, “sang/sến” trước giờ vẫn thường gây tranh cãi ở ta?
- Tôi chẳng có “quan điểm “ gì cả. Hãy để cuộc sống vận hành theo qui luật của nó. Cái không thích hợp, cái lỗi thời rồi sẽ bị đào thải, cái ăn nhịp được sẽ phát triển. Tốc độ của nó ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (kinh tế, thể chế chính trị, môi trường văn hóa và sự hội nhập với bên ngoài…)
Khi đề cập đến nỗi buồn trong âm nhạc, ông từng chia sẻ với tôi rằng: “Nỗi buồn đáng giá nhất là nỗi buồn của những tâm hồn khỏe mạnh, trong sáng. Những nỗi buồn gắn với khát vọng sống, khát vọng nghề nghiệp, gắn với tình người, với xã hội, với nơi mình sinh sống, với đất nước. Những nỗi buồn ấy trở thành động lực, có thể tạo nên sự nghiệp, tạo thành những sản phẩm tinh thần và vật chất cho xã hội...”. Đó là những điều không dễ tìm thấy ở Bolero. Theo ông, đó có là một lý do để chúng ta không nên quá đắm chìm vào Bolero, dù nó dễ nghe, dễ thuộc, và vẫn trường tồn?
- Chúng ta là ai? Chắc không phải là tôi, các bạn bè của tôi, cả già lẫn trẻ. Người thích Bolero có những lý do của họ. Trừ việc họ nghe để giải trí, họ có thể tìm thấy ở Bolero cái gì đó tốt hơn cho tâm hồn họ mà bạn không biết. Tôi có biết chuyện một lãnh đạo ở trong Nam đã cấm hát cải lương vì cho nó là èo uột, ủy mị, thiếu sức sống, thiếu tính chiến đấu… Nhưng tôi cũng biết có nhiều người nghiền cải lương vẫn trở thành dũng sĩ đó thôi. Đấy cũng là một bí mật của tâm hồn.
Nhắc đến Dương Thụ là nhắc tới khái niệm “nhạc tử tế”. “Người nghe hiện nay, đa phần là nghe giải trí, nghe cái gì cho đỡ nặng đầu. Nhạc mới, nhạc tử tế, cái tiếng hát của thời đại mình đang sống, không phải là không có, nhưng mấy người hát, mấy người nghe...” - Tới giờ này, ông còn giữ cái nhìn đó? Một nền âm nhạc sẽ đi về đâu, nếu cái mới không dễ gì được chào đón, thưa ông?
- Tới giờ này tôi còn giữ cái nhìn đó không ư? Chắc vẫn thế, nhưng hiểu ra rồi nên cũng đỡ buồn hơn. Từ cổ chí kim, ở đâu cũng vậy chứ chẳng riêng gì ở nước ta, cái mới bao giờ cũng ít được chào đón và luôn thuộc về thiểu số, nhưng là một thiểu số quan trọng, có khả năng thay đổi bộ mặt văn hóa của một đất nước.
Chắc bạn có nghe bài “Lắng nghe mùa xuân về”: Mầm non nào rồi cũng sẽ nhú, nụ hoa nào rồi cũng sẽ nở và mùa xuân nhất định sẽ đến. Nhưng tôi đã bước sang tuổi 75 rồi, không biết có còn kịp thấy cái mùa xuân tôi đã từng lắng nghe ấy không.
Ở thời điểm Thanh Lam bị cho là vạ miệng khi bảo “không biết Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng sẽ dạy gì ở The Voice”, ông từng thể hiện chính kiến: “Câu chuyện này không nên làm to ra vì thực ra với tôi nó chỉ bé tí tẹo. Cái dở là khi làm to ra thì chính những người liên quan sẽ trở thành nạn nhân. Điều này chả hay ho gì cả”. Trong câu chuyện ồn ào xoay quanh phát ngôn vừa qua của Tùng Dương về Bolero, ông có muốn nhắc lại chính kiến đó?
- Chuyện Tùng Dương thì khác đấy! Cậu ấy trả lời phỏng vấn rất nghiêm túc, khách quan và đúng mực. Chúng ta nên lắng nghe những ý kiến khác biệt với sự tôn trọng. Mỗi người đều có suy nghĩ về con đường nghệ thuật của mình và có thể có những nhận xét về những cái khác mình. Tùng Dương đã làm điều ấy một cách chân tình, không đề cao việc mình đang làm và cũng không báng bổ con đường của kẻ khác. Nhận xét của Tùng Dương là khách quan. Những ý kiến như thế sẽ tốt cho công luận. Còn việc “ném gạch đá” về chuyện này, với thời buổi hiện nay cũng là bình thường.
Cuối cùng, theo ông, với những gì đã làm được, Tùng Dương liệu đã đủ tư cách để góp một tiếng nói vào đời sống âm nhạc, dù là một tiếng nói trái chiều, gây tranh cãi?
- Bản lĩnh nghệ thuật quyết định sự thành bại của một nghệ sĩ. Tôi biết Tùng Dương từ lúc còn tuổi thiếu niên, nhưng tôi không thể hình dung cậu bé ấy lại được như bây giờ. Một nam ca sĩ thật sự của hôm nay, pha trộn được giữa sự đa dạng và tính độc đáo, có một con đường hoàn toàn toàn riêng biệt mang tính đương đại điều mà nhiều giọng hát khác không làm được. Hát Bolero ăn khách, nổi tiếng là điều khỏi phải bàn. Nhưng hát Chiếc khăn Piêu, Con cò, Li ti và những bài “ngang phè” của Lê Minh Sơn thời kỳ đầu mà nổi tiếng được thì chắc chỉ có Tùng Dương! Trước, tôi nghĩ đến Bằng Kiều, nhưng nay Bằng Kiều là ca sĩ của những bài hát lãng mạn xưa. Vậy là niềm hy vọng của tôi đã có Tùng Dương thế chỗ.
Âm nhạc của ngày hôm nay cần có tác giả và ca sĩ của nó. Tác giả thì có, nhưng ca sĩ nổi tiếng thì phần lớn tìm cách cover lại “nhạc xưa” để cho nó “sang”, hoặc kiếm được nhiều tiếng vỗ tay để nới rộng khả năng “chạy sô”, còn người như Tùng Dương quá hiếm. Người như thế hoàn toàn đủ tư cách để góp một tiếng nói vào đời sống âm nhạc.
“Ca sĩ nổi tiếng thì phần lớn tìm cách cover lại “nhạc xưa” để cho nó “sang”, hoặc kiếm được nhiều tiếng vỗ tay để nới rộng khả năng “chạy sô”, còn người như Tùng Dương quá hiếm. Người như thế hoàn toàn đủ tư cách để góp một tiếng nói vào đời sống âm nhạc”.
Thủy Nguyên (thực hiện)