Blog Hoàng Hữu

VTVcab chuẩn bị IPO với giá khởi điểm 140.900 đồng/cp

22:14 - 14/03/2018

Cần tới gần 6.000 tỷ đồng để hấp thụ hết lượng cổ phần đấu giá của VTVCab.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có thông báo về vừa tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) vào ngày 17/4/2018.

Vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) dự kiến sau đấu giá là 884 tỷ đồng. Lượng cổ phần đấu giá là 42,29 triệu cổ phiếu cổ phần, tương đương 47,8% vốn điều lệ dự kiến.

Với mức giá khởi điểm lên đến 140.900 đồng, VTVCab được định giá lên đến 12.376 tỷ đồng và lượng cổ phần đấu giá có trị giá xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. 

Về VTVcab, Công ty kinh doanh chính trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền; điều hành hệ thống phát bằng cáp, hoạt động cung cấp dịch vụ truy cập Internet bằng mạng viễn thông có dây... Sau thời gian chậm trễ cổ phần hóa do những khúc mắc trong việc định giá tài sản, mới đây Thủ tướng đã đồng ý gia hạ thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đấu đối với VTVcab chậm nhất là đến ngày 30/6/2018, đồng thời VTV không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp của VTVcab tại thời điểm 31/12/2015 đã được Đài công bố.

Được biết, dù tuổi đời chỉ mới 6 tuổi nhưng tiền thân của VTVCab chính là Trung tâm Kỹ thuật truyền hình Cáp (VCTV) đã tham gia ngành truyền hình trả tiền Việt Nam từ năm 1995. Với nguồn lực lớn từ Đài Truyền hình Việt Nam, VTVcab cùng với SCTV xác lập vị thế vượt trội so với các đơn vị cùng ngành nhờ lợi thế vừa sản xuất nội dung vừa bán thuê bao. Từ phát triển hệ thống truyền hình cáp, VTVcab đến nay đã cung cấp truyền hình số vệ tinh và mới đây nhất là dịch vụ truyền hình trực tuyến. Đến nay, VTVcab đang phát sóng 200 kênh truyền hình, trong đó có 70 kênh truyền hình HD.

Song, bức tranh kinh doanh của Công ty lại không mấy sáng sủa. Cụ thể, kết thúc năm 2016, công ty mẹ VTVcab ghi nhận 2.045 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quan sát dài hơn từ năm 2014 có thể thấy, hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống VTVCab không tăng trưởng, thậm chí lợi nhuận hợp nhất 2015 giảm so với 2014.

Chưa kể, tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỷ đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 500 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán lo ngại về khả năng thanh khoản của Công ty.

Như vậy, vấn đề đặt ra là nhà đài này sẽ làm gì để tăng trưởng và đảm bảo nguồn thu nhập khi vừa phải cạnh tranh cùng ngành vừa phải đối chọi với các ứng dụng trực tuyến đang phát triển với tốc độ quá nhanh? Với sự thay đổi quá nhanh của công nghệ, để thích nghi với sự thay đổi và tìm cơ hội kinh doanh hiệu quả đòi hỏi phải có một nguồn lực về nhân lực và cả về tài lực.

Tri Túc

Theo Trí thức trẻ